Anh gửi đạn uranium nghèo cho Ukraine, ông Putin doạ trả đũa - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

Anh gửi đạn uranium nghèo cho Ukraine, ông Putin doạ trả đũa


Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp quân đội Ukraine đang được huấn luyện để điều khiển xe tăng Challenger 2 tại một cơ sở quân sự vào ngày 8 tháng 2 năm 2023 ở Lulworth, Dorset, Anh. (Ảnh: Andrew Matthews/WPA Pool/Getty Images)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những phản ứng trước bình luận của Bộ Quốc phòng Anh rằng nước này sẽ cung cấp đạn xuyên giáp cho Kyiv.

Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Annabel Goldie ngày 21/3 cho biết trong số đạn dành cho xe tăng chủ lực Challenger 2 mà nước này dự định chuyển cho Ukraine có đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo. Theo bà Goldie, loại đạn này hiệu quả cao trong tiêu diệt xe tăng hiện đại và phương tiện bọc thép.

"Nếu chuyện này xảy ra, Nga sẽ phải đáp trả tương xứng, do phương Tây nhìn chung đã bắt đầu sử dụng vũ khí chứa thành phần hạt nhân", Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra bình luận vào cùng ngày, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm cấp cao đến Moscow.

Ông Putin không nói thêm chi tiết, mặc dù nhà lãnh đạo Nga thường xuyên đưa ra những lời đe dọa liên quan đến hạt nhân. Phần lớn trong số đó nhằm đe doạ các nước phương Tây dừng can thiệp vào cuộc chiến ở Ukraine và gửi vũ khí cho Kyiv.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo quyết định của Anh khiến Moscow và phương Tây ngày càng gần một vụ "va chạm hạt nhân". "Một bước đi nữa đã được thực hiện, và ngày càng còn ít bước hơn", ông nói. "Đương nhiên, Nga cũng có thứ để đáp lại". Hiện Moscow cũng có đạn uranium nghèo Svinets-2 của riêng mình trong kho dự trữ.

Bộ Quốc phòng Anh cáo buộc Nga "cố tình tìm cách gây sai lệch thông tin". Uranium nghèo "không liên quan đến các vũ khí và năng lực hạt nhân" và đó là "một thành phần tiêu chuẩn" được quân đội các nước, trong đó có Nga sử dụng, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh nói.

Các tân binh Ukraine và huấn luyện viên Lực lượng Vũ trang Anh của họ chụp ảnh trên xe bọc thép Driver Tank Trainer (DTT) tại một cơ sở quân sự, vào ngày 23 tháng 2 năm 2023 ở miền Nam nước Anh. (Ảnh: Leon Neal/Getty Images)

Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium để sử dụng làm nhiên liệu và vũ khí hạt nhân, có ít tính phóng xạ hơn so với kim loại này trong tự nhiên nhưng gây lo ngại về độc tính. Uranium nghèo thường được dùng làm đạn xuyên giáp do có mật độ cao hơn 70% so với chì.

Các loại đạn dược tương tự đã được Anh và Mỹ sử dụng trong các cuộc chiến tranh ở Iraq và vùng Vịnh vào năm 1991 và 2003. Một đánh giá gần đây về các nghiên cứu trên BMJ Global Health đã nêu bật "mối liên hệ có thể có" của các vấn đề sức khỏe lâu dài ở người Iraq liên quan đến việc sử dụng uranium nghèo trên chiến trường.

Một báo cáo tổng quan của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết “thiếu bằng chứng rõ ràng về nguy cơ ung thư trong các nghiên cứu trong nhiều thập niên”. Trong khi đó, nghiên cứu của Hiệp hội Hoàng gia Anh từ năm 2001 đã kết luận nguy cơ ung thư là đáng kể nhất khi những người lính trong xe tăng sống sót sau khi bị trúng đạn uranium nghèo.

Chiến dịch Giải trừ vũ khí hạt nhân (CND) cũng chỉ trích quyết định này, cho rằng Anh gửi đạn xe tăng như vậy tới Ukraine là không cần thiết. Bởi theo Tổng thư ký CND, Kate Hudson, điều đó “sẽ chỉ làm tăng thêm sự đau khổ lâu dài của dân thường bị cuốn vào cuộc xung đột này”.

Lãnh đạo CND cho biết thay vào đó, Vương quốc Anh nên “đặt lệnh cấm ngay lập tức việc sử dụng vũ khí uranium nghèo” – một yêu cầu mà Bộ Quốc phòng Anh đã nhiều lần từ chối – “và tài trợ cho các nghiên cứu dài hạn về tác động môi trường và sức khỏe của chúng”.

Anh hồi tháng 1 thông báo sẽ viện trợ xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 để Ukraine "đẩy lùi quân đội Nga". Đây là mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực của Anh, được thiết kế để tiêu diệt xe tăng đối phương. Anh đưa vũ khí này vào biên chế từ năm 1994. Challenger 2 đã được kiểm nghiệm thực chiến trong các cuộc xung đột ở Bosnia và Herzegovina, Kossovo, Iraq.

Anh sẽ gửi ít nhất 28 xe tăng Challenger 2 tới Ukraine, đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia phương Tây gửi xe tăng chiến đấu hạng nặng mạnh nhất của mình tới Kyiv để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Ngoài ra, hàng nghìn nhân viên của Anh cũng đã thực hiện một chương trình đào tạo cho 10.000 tân binh tình nguyện từ Ukraine các kỹ năng để có hiệu quả trong chiến đấu ở tiền tuyến. Khóa đào tạo bao gồm xử lý vũ khí, sơ cứu chiến trường, dã chiến, chiến thuật tuần tra và Luật xung đột vũ trang.

   Mời xem thêm »


© Viên Minh (Tổng hợp)
    NTDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages